Tin tức ngành Ngân hàng Tin tức ngành Ngân hàng

Triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

[Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị]

Ngày 10/9/2020, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các đầu cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cùng các Vụ, cục, các cơ quan chức năng thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có sự tham dự của ông Nguyễn Lợi - Giám đốc NHNN tỉnh BR-VT, ông Trần Thiên Trí – Phó giám đốc NHNN tỉnh, lãnh đạo các phòng ban của chi nhánh, đại diện của các Quỹ tín dụng nhân dân, đại diện Qũy trợ vốn Công nhân viên chức và người lao động nghèo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

[Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu]

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.

Đồng thời, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả vào Chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đặc biệt, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Hội nghị, Viện Chiến lược Ngân hàng trình bày nội dung Chiến lược và Kế hoạch hành động; Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đại diện lãnh đạo NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các TCTD đã trình bày các bài tham luận, báo cáo về các kết quả đã thực hiện và đưa ra định hướng đẩy mạnh phổ cập tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững,  đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế. Những năm qua tại Việt Nam  các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… đã cho thấy một trong những mục tiêu tiên quyết của Chính phủ Việt Nam là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh đến tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản.

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 24/7/2020 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo./.

(Nguồn: TH,NS&KSNB CN)


Văn Bản Mới Văn Bản Mới

Video tiêu biểu Video tiêu biểu

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 7
Tất cả: 4053726