Tin tức ngành Ngân hàng Tin tức ngành Ngân hàng

NHNN quyết liệt triển khai cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu đảm bảo an toàn, lành mạnh, bền vững của hệ thống

Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2018
 
 
Ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng (TCTD), từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng: "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững".
 
 

Trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu, đã thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững, vị thế Việt Nam dần được nâng cao thời gian qua. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

image

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì Diễn đàn

"Các nhân tố tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi ngân hàng phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô"- Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ. Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Nợ xấu được kiểm soát duy trì dưới 3%, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh, bước đầu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho biết:"Trong giai đoạn 2011 – 2015, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai theo Quyết định số 254/QĐ-TTg và Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của toàn ngành Ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: sự ổn định, an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (TCTD) được giữ vững và từng bước cải thiện; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng;"

image

Ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng phát biểu tại Diễn Đàn

Đặc biệt, theo ông Huyền Anh, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng sau gần một năm triển khai Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã đạt được một số kết quả ban đầu như:

(i) Các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD. Đến nay, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 3/4 NHTMNN;

(ii) Các NHTM Cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh;

(iii) Các TCTD nước ngoài được NHNN tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát, đảm bảo hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Đến nay, NHNN đã có văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại của 9/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh;

(iv) Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng;

(v) Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh, về cơ bản hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ đề ra;

(vi) Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%...

Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực, chủ động của các TCTD trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42, (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm hơn so với mức 2, 46% cuối năm 2016).

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42), những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều. Nghị quyết 42 đã giúp mọi người hiểu rõ đâu là nguyên nhân phát sinh nợ xấu và từ đó làm thay đổi nhận thức, ý thức của cả khách nợ lẫn chủ nợ.

Chủ tịch VAMC nhấn mạnh: "Nghị quyết 42 đã làm thay đổi tư duy về nợ xấu, tư duy của các nhà lập pháp thay đổi, đó là nợ xấu của nền kinh tế chứ ko phải chỉ của riêng ngân hàng. Sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 42, đối với ngành ngân hàng nói chung trong xử lý nợ xấu đã tháo gỡ được nhiều vương mắc như: Trách nhiệm pháp lý của người cho vay, lâu nay quan hệ dân sự vay và trả, thu không đủ nợ gốc và lãi thì dễ phát sinh quan hệ hình sự. Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị, tạo động lực lớn cho các TCTD cũng như VAMC tự tin trong xử lý."

Nợ xấu bước đầu đạt dược mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Mặc dù vậy, theo ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, thách thức trong mục tiêu thực hiện đúng lộ trình đề ra, đòi hỏi quyết tâm của các bộ, ngành địa phương.

Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc của TCTD về điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Thứ hai là việc một số Bộ, Ngành chậm hoặc chưa thực hiện xong việc ban hành chương trình/kế hoạch hành động cụ thể triển khai Đề án 1058; bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tuy nhiên tại một số nơi Cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) nên còn vướng trong công tác phối hợp xử lý.

image

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn

Còn theo ý kiến của Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, một vướng mắc còn cần tháo gỡ trong công tác xử lý nợ xấu đó chính là những khó khăn liên quan đến việc tăng vốn cho các NHTMNN về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai. Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. Tuy nhiên, hiện nay các NHTMNN chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước. Việc tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại NHTMNN đề ra tại Quyết định 1058; trong đó yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các NHTMNN (đối với các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; riêng đối với Agribank thì triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ) . Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.

Xác định những khó khăn, thách thức cần đối mặt để tiến tới hoàn thành công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đề ra tại Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 theo đúng mục tiêu, lộ trình và kế hoạch trong thời gian tới. Nghị quyết 42 đã được đánh giá như chiếc chìa khóa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao sự cần thiết của Nghị quyết 42 đối với mục tiêu giảm lãi suất của Thủ tướng Chính phủ nói chung và tháo gỡ phần nào khó khăn trong việc xử lý nợ cho các ngân hàng nói riêng, từ đó giúp khơi thông dòng vốn ra nền kinh tế. Thâm chí có ý kiến còn cho rằng, xét cả quá trình nói trên, cũng như giá trị và tính lịch sử của tầm hỗ trợ chính sách, Nghị quyết 42 là thành công lớn nhất của ngành ngân hàng những năm gần đây - giai đoạn tập trung xử lý nợ xấu.

(Nguồn: sbv.gov.vn)


Văn Bản Mới Văn Bản Mới

Video tiêu biểu Video tiêu biểu

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 10
Tất cả: 4056769