Công đoàn cơ sở Công đoàn cơ sở

Những điểm cần lưu ý trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

(Luật số 09/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Phòng chống tác hại của thuốc lá)

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua Ngày 18 tháng 6 năm 2012 bao gồm 5 Chương và 35 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy cần đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá; Mục tiêu của Luật là hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ TL và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Dưới đây là một số nội dung cơ bản:

1. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (Điều 6)

- Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;

- Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước;

 - Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá

2. Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của Thuốc lá (Điều 7):

- Người dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; được yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; được vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; được phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong luật (Điều 9):

- Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu;  Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;  Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó ;  Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá;  Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm;  Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;  Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

4. Quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá:

- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 11) bao gồm:

+ Quy định các địa điểm cấm hút TL hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b, khoản 2, Điều này; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ôtô, tàu bay, tàu điện.

   - Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, địa điểm công cộng (trừ các địa điểm công cộng nêu trên và các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá); 

-  Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 12):  Khu vực cách ly của sân bay;  Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

 -  Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Thực hiện tốt những quy định này sẽ hạn chế tối đa được  tác hại của hút thuốc lá thụ động đến sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như hiệu quả của quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng đến việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá. Bởi vì  hút thuốc lá thụ động là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc.

5. Quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá (Điều 13): Không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.

6. Quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 14).

- Có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

-  Có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

7. Quy định về việc bán thuốc lá (Điều 25):

Không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

 8. Quy định về số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói:

- Luật quy định: sau 03 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu. Quy định này làm cơ sở để tiến tới cấm bán các bao thuốc lá dưới 20 điếu trong thời gian tới khi có đủ điều kiện thực tiễn và có tính khả thi. Mục đích của việc cấm đóng gói và bán các sản phẩm thuốc lá dưới 20 điếu là để hạn chế thanh thiếu niên mua thuốc lá hút.

9. Về quản lý, kinh doanh, quy hoạch, đầu tư sản xuất, kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước: Luật chỉ tập trung vào các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, không điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thuần túy vì các họat động này được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…. Tuy nhiên, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá là nhóm biện pháp quan trọng hướng tới giảm nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, phù hợp với nhóm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Do đó, Luật đã quy định một số biện pháp mang tính nguyên tắc để kiểm soát họat động kinh doanh thuốc lá, bao gồm: quản lý kinh doanh thuốc lá (Điều 19); quy hoạch kinh doanh thuốc lá (Điều 20); kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá (Điều 21); kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước (Điều 22) và một số biện pháp khác. Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức quản lý đối với các hoạt động kinh doanh thuốc lá cụ thể.

10. Quy định ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá:

- Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu như: không được ghi các từ, cụm từ thể hiện sản phẩm thuốc lá đó ít có hại hoặc làm cho người sử dụng hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người; phải dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;

- Bao bì phải in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu.

Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.

Đồng thời, Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể về ghi nhãn đối với thuốc lá và trình Chính phủ quyết định tăng % diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.

11. Xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL:

- Luật quy định nguyên tắc chung trong xử phạt vi phạm pháp luật về PCTHTL và một số biện pháp cụ thể để tăng cường thực thi pháp luật vì hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về PCTHTL đặc biệt là vi phạm quy định về hút thuốc lá nơi công cộng, buôn lậu thuốc lá đang diễn ra tràn lan, khó kiểm soát; tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành như thuốc lá lậu là hàng hóa cấm kinh doanh, hành vi buôn lậu thuốc lá số lượng lớn sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, Luật đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể về hành vi, thẩm quyền và mức phạt nghiêm.

- Luật quy định và giao trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng công an, quốc phòng, quản lý thị trường trong xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính khả thi.

 Luật PCTHTL được Quốc hội ban hành đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng, Luật PCTHTL đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ và ngày càng góp phần đáng kể cho công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngày 31/3/2022 Công đoàn cơ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-CĐCS-BRI tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Theo đó trang bị cho cán bộ, công chức và người lao động (CB,CC&NLĐ) những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường hiệu quả việc thực thi quy định về môi trường không khói thuốc. Việc tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến toàn thể CBCC &NLĐ là thực sự cần thiết. Với quyết tâm xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh đã quán triệt đến toàn thể CBCC&NLĐ phải thường xuyên triển khai và triển khai có hiệu quả những nội dung chính đã nêu trong Kế hoạch tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá./.

(CĐCS NHNN BR-VT biên soạn và sưu tầm)


Văn Bản Mới Văn Bản Mới

Video tiêu biểu Video tiêu biểu

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 9
Tất cả: 4055013